Kế hoạch Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông

Thứ Năm, 4 Tháng Tư, 2024 151 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 2171- CV/VPTU ngày 15/01/2024 của Văn phòng Tỉnh uỷ về việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị; chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tại Công văn số 44-CV/BCS ngày 22/01/2024 về việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch số 1110/KH-UBND ngày 29/3/2024 về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) như sau:

  1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
  2. Tổ chức quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 4206/KH-UBND ngày 15/11/2021 về thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Hải Dương”; Kế hoạch số 681/KH-UBND ngày 29/02/2024 về việc triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
  3. Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cả hệ thống chính trị; phải được chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, từ thành phố đến nông thôn, trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường… gắn kết với các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục.
  4. Việc triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
  5. MỤC TIÊU
  6. Mục tiêu chung Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 05/12/2011 về PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGD tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và sau xóa mù chữ cho người lớn; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giáo dục thường xuyên; gắn việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xoá mù chữ với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồn học sinh sau trung học cơ sở, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp và học tập suốt đời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
  7. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Đối với phổ cập mẫu giáo mầm non cho trẻ 5 tuổi:

– Huy động 100% trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi ra lớp và 100% trẻ ra lớp được học 2 buổi/ngày. 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

– 100% xã, phường, thị trấn và 100% huyện, thị xã, thành phố duy trì vững chắc chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỉnh Hải Dương duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

– 80% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

– Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hải Dương đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

2.2. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học:

– Đến năm 2030, 100% trẻ em ở độ tuổi 6 tuổi vào lớp 1; 100% số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học; 100% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

– 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Tỉnh Hải Dương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

2.3. Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở:

Đến năm 2030, 100% số thanh niên, thiếu niên độ tuổi 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; 98% số thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15 đến 18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; 100% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 25% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được học nghề trình độ trung cấp; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 12/12 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỉnh Hải Dương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

2.4. Đối với xóa mù chữ:

Đến năm 2030, 100% người trong độ tuổi 15 đến 35 biết chữ giai đoạn 2. 99,98% người trong độ tuổi 15 đến 60 biết chữ giai đoạn 1 và 99,95% người biết chữ giai đoạn 2; 70% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 100% xã, phường, thị trấn duy trì chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 100% huyện, thị xã, thành phố duy trì chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh Hải Dương duy trì vững chắc chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

2.5. Đối với phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông:

– Đến năm 2030, 100% trường có cấp trung học cơ sở, trường có cấp trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ.

– Có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục vừa học văn hoá, vừa học nghề trình độ sơ cấp hoặc liên kết đào tạo trình độ trung cấp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.

– Có 30% đến 35% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

  1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác vận động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đa dạng hoá công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với người học và gia đình; tăng cường sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, Internet. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu, địa phương làm tốt.

  1. Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, tiếp cận dần chuẩn các nước tiên tiến. Chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục gắn với quy hoạch nhân lực ngành Giáo dục. Thực hiện tốt việc liên kết giữa trường sư phạm với địa phương trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các cấp học, bảo đảm đủ số lượng, cân đối về cơ cấu, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
  2. Tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt.
  3. Củng cố bền vững kết quả phổ cập giáo dục, hạn chế người bỏ học và người mù chữ trở lại; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Chú trọng chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; có chính sách tháo gỡ việc phát triển mạng lưới trường; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn ở địa bàn khó khăn, kết quả chưa vững chắc.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, bảo đảm cho mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc; chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, duy trì và nâng cao tính bền vững đối với kết quả xoá mù chữ cho người lớn, chú trọng xoá mù chữ chức năng; tăng cường tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, có cơ hội tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với những thay đổi của xã hội; đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cân đối cơ cấu ngành nghề, phát triển giáo dục gắn với kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

  1. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập suốt đời.

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí để củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã; tạo thuận lợi cho các trung tâm học tập cộng đồng tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, đào tạo nghề, xây dựng xã hội học tập thật sự hiệu quả.

Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp, nhất là trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lập tại khu công nghiệp, khu đô thị đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông lựa chọn chương trình giáo dục phù hợp, được thuận lợi trong chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, liên thông giữa các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp và cấp học cao hơn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, khai thác có hiệu quả tài nguyên giáo dục mở góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

  1. Nâng cao vai trò chủ đạo, trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm; kịp thời khen thưởng tập thể và các cá nhân có thành tích trong công tác này. Định kỳ hằng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
  2. Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá gắn với quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch tỉnh, ngành, địa phương. Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường lớp, nhất là trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lạp tại các khu công nghiệp, khu đô thị đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, phù hợp trên địa bàn tỉnh.
  3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
  4. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Chỉ đạo việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và phổ biến nội dung, quan điểm chỉ đạo được nêu trong Chỉ thị số 29-CT/TW và Kế hoạch của UBND tỉnh đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

– Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai thực hiện. – Định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

  1. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tham gia công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
  2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện Kế hoạch.
  3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh căn cứ vào nội dung của Chỉ thị số 29- CT/TW và kế hoạch này tổ chức học tập, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cấp mình, ngành mình; tổ chức thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện. Các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung, kết quả thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW và Kế hoạch của UBND tỉnh.
  4. Ủy ban nhân dân cấp huyện cụ thể hóa các nội dung của Kế hoạch vào chương trình công tác hằng năm của địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của UBND tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, điều chỉnh, bổ sung kịp thời./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0976.853.999