Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai

Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024 43 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 02/4/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 977/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024; Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ với mục đích đảm bảo cho việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất được đồng bộ, kịp thời, đúng quy định, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến tất cả các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nắm được những điểm mới, những thay đổi quan trọng của Luật Đất đai, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định về giá đất, qua đó nâng cao nhận thức về các quy định của Luật và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong quản lý, sử dụng đất đai. Qua đó, xác định rõ các nội dung công việc, thời hạn, trách nhiệm thực hiện của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định về giá đất. Kế hoạch có những nội dung như sau:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến

a) Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP:

– Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan:

+ Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, tập huấn, tuyên truyền Luật Đất đai năm 2024, phương pháp định giá đất mới theo quy định của Nghị định số 12/2024/NĐ-CP (nếu cần thiết); liên hệ mời giảng viên của Bộ tài nguyên và Môi trường trực tiếp truyền đạt.

Thời gian thực hiện: Quý II/2024.

+ Có kế hoạch phổ biến, tập huấn các quy định của Luật, Nghị định cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý đất đai, định giá đất thuộc cơ quan, đơn vị mình và của UBND các huyện, thành phố, thị xã, công chức địa chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

– Giao các sở, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi lĩnh vực quản lý, căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, bằng các hình thức, thời gian phù hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị mình và nhân dân trên địa bàn nắm được.

Thời gian thực hiện: năm 2024 và các năm tiếp theo.

b) Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến:

– Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

+ Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, biên soạn hoặc đặt hàng các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

+ Hàng năm, có kế hoạch và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ 3 biến các quy định của Luật, Nghị định, đăng tải thường xuyên, kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp quy, văn bản hướng dẫn và các tài liệu khác có liên quan phục vụ tốt cho việc tra cứu, tìm hiểu của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

– Giao Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh:

+ Tham mưu kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đất đai theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (khi các Nghị định này có hiệu lực) cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp.

Thời gian thực hiện: Quý II/2024 và sau khi các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được ban hành.

+ Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm, trong đó cần ưu tiên chú trọng đến các quy định của Luật Đất đai, đặc biệt các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, những vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản trên đất của người sử dụng đất, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giá đất, …Thời gian thực hiện: hàng năm.

+ Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến; đăng tải thường xuyên, kịp thời các văn bản pháp quy, văn bản hướng dẫn, tài liệu tuyên truyền, phổ biến, các tin, bài viết phân tích các quy định của Luật Đất đai, Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh. Thời gian thực hiện: thường xuyên.

– Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ:

+ Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Kế hoạch này, trong đó tăng cường thông tin, bài viết phân tích các quy định của Luật Đất đai, Nghị định, Thông tư, Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để đông đảo người dân, doanh nghiệp nắm được; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và kênh truyền thông mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Thời gian thực hiện: Tập trung cao điểm thực hiện ngay sau khi Kế hoạch này được ban hành nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về đất đai của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

+ Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan giám sát, xử lý nghiêm các hành vi đăng tải thông tin trên báo chí, mạng xã hội không đúng sự thật, xuyên tạc, làm sai lệch nhận thức các quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành theo đúng quy định của pháp luật.

– Các sở, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP trong phạm vi, lĩnh vực quản lý.

– UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn theo thẩm quyền, quy định của pháp luật có trách nhiệm tổ chức thực hiện thường xuyên, có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Đất đai, Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quản lý nắm được.

2. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh

a) Công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành được giao trong Luật Đất đai:

– Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao trong Luật (chi tiết danh mục dự thảo văn bản cần quy định chi tiết, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian, kinh phí thực hiện được nêu cụ thể tại phụ lục kèm theo Kế hoạch này).

Trên cơ sở Luật Đất đai, các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và thực tế của địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, cập nhật, tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời, đúng quy định các văn bản thuộc thẩm quyền; sớm hoàn thành việc tham mưu ban hành quy định của tỉnh để việc thực hiện Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng, khắc phục và giải quyết các vướng mắc tồn tại về giá đất.

– Sở Tư pháp thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng quy định, có tính khả thi và phù hợp điều kiện thực tiễn tại địa phương.

– Sở Tài chính tham mưu bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật; có văn bản hướng dẫn trong công tác lập hồ sơ đề nghị thanh toán, đảm bảo thuận tiện, kịp thời.

b) Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành:

– Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh, các sở, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, đơn vị mình tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền (các Quyết định của UBND, Nghị quyết của HĐND tỉnh) nhằm kịp thời phát hiện các quy định không còn phù hợp từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế theo quy định.

– Giao Sở Tư pháp đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

c) Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Nội vụ đang được Chính phủ giao xây dựng, hoàn thiện các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhiều dự thảo đã và đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, UBND tỉnh giao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã:

– Nghiên cứu, trên cơ sở thực tiễn tại địa phương, các kết quả đã đạt được, các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 từ đó tham gia ý kiến gửi cơ quan soạn thảo để đảm bảo các dự thảo khi được ban hành có tính khả thi, phù hợp thực tiễn và không có vướng mắc trong quá trình thực hiện.

– Chủ động bám sát các nội dung giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết từ đó có kế hoạch, lộ trình tham mưu thực hiện đảm bảo kịp thời, đầy đủ.

3. Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật, Nghị định

a) Các Sở, ngành: Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Văn hóa thể thao và Du lịch, Lao động, Thương binh và xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các sở ngành, UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm rà soát các quy định của Luật Đất đai, bám sát các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đang được các Bộ, ngành soạn thảo từ đó chủ trì và chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có các chỉ đạo kịp thời về thi hành Luật thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý đảm bảo có hiệu quả.

b) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

– Chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn rà soát, nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP, bám sát tiến độ xây dựng, ban hành các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai từ đó:

+ Kịp thời tham mưu UBND tỉnh có các chỉ đạo thi hành các nội dung, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm thực hiện của UBND tỉnh được giao trong Luật, Nghị định. Trước mắt, căn cứ tính chất, mức độ phức tạp, nhu cầu, tiến độ thực hiện của từng nội dung, nhiệm vụ cần có biện pháp tham mưu UBND tỉnh xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao tại điểm c mục 4 phần II Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ (có Quyết định đính kèm). Thời gian trình Kế hoạch/hoặc Văn bản tham mưu: từ ngày ban hành Kế hoạch này.

+ Tham mưu, giải quyết các công việc chuyên môn về đất đai đảm bảo đúng quy định; hướng dẫn các địa phương, các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện. – Chủ động và thường xuyên phối hợp các sở, ngành trong việc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh được giao trong Luật.

4. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư luôn là nội dung lớn trong Luật, được xã hội quan tâm, và cũng là lĩnh vực phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu kiện. Do đó, để công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đảm bảo đúng quy định, UBND tỉnh yêu cầu:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành có liên quan cần nắm chắc, nắm rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt việc thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội theo quy định của Luật Đất đai. Việc đề xuất danh mục, công trình, dự án cần thu hồi đất phải thống nhất và phù hợp với quy định của Luật; chỉ tham mưu thu hồi đất khi có đầy đủ căn cứ pháp luật, đúng quy định; khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2014 của UBND tỉnh.

b) Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã có dự án đầu tư hoặc đang đề xuất danh mục, dự án đầu tư thuộc trường hợp thu hồi đất nhưng việc thu hồi đất chưa thể thực hiện ngay theo Luật Đất đai năm 2013 thì cần khẩn trương rà soát, xác định rõ sự phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Đất đai về tên công trình, dự án thu hồi đất, về các điều kiện thu hồi đất… từ đó kịp thời tham mưu hoàn thiện đảm bảo đúng quy định.

c) Các sở, ngành được giao tại phụ lục kèm theo Kế hoạch này cần khẩn trương tham mưu hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định, đảm bảo có hiệu lực cùng với hiệu lực của Luật Đất đai. d) UBND các huyện, thành phố, thị xã cần rà soát, bố trí quỹ đất để tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư, nhà tái định cư phục vụ dự án trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 6 Điều 91 Luật Đất đai.

5. Công tác xác định giá đất, phát triển quỹ đất và thị trường bất động sản

a) Về công tác xác định giá đất:

– Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành liên quan đối chiếu quy định tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ:

+ Rà soát nội dung, phạm vi ủy quyền quyết định giá đất tại Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2023 của UBND tỉnh. Trường hợp phát hiện có các bất cập hoặc nội dung không còn phù hợp thì tham mưu, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ xong trước ngày 01 tháng 5 năm 2024.

+ Rà soát quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính quy định tại Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 16/10/2017 của UBND tỉnh quy định quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 53/2019/QĐ-UBND ngày 17/12/2019) tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp. Yêu cầu hoàn thành trong tháng 6/2024.

– Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm:

+ Phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác xác định giá đất đảm bảo đúng quy định; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

+ Rà soát, đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất các dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong công tác xác định giá đất; tham mưu hoặc yêu cầu theo thẩm quyền các chủ dự án đã được xác định giá đất nộp đúng, nộp đủ số tiền vào ngân sách; có biện pháp công khai, xử lý theo đúng quy định đối với các trường hợp chậm nộp, có biểu hiện trây ỳ, trốn tránh nhằm tránh thất thoát ngân sách.

b) Công tác phát triển quỹ đất: Phát triển quỹ đất là nội dung mới đã được bổ sung trong Luật nhằm bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ đất đai theo quy hoạch, chủ động quỹ đất điều tiết thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Với tinh thần đó, UBND tỉnh:

– Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

+ Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ tham mưu thành lập, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Thời gian thực hiện: ngay sau khi Nghị định quy định chi tiết nội dung này được ban hành.

+ Chỉ đạo rà soát toàn bộ quỹ đất thu hồi đang được giao quản lý, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất hoặc bàn giao lại cho địa phương quản lý để sử dụng vào mục đích công cộng; chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các sở, ngành, UBND cấp huyện xem xét, tham mưu UBND tỉnh về cơ chế, chính sách quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất được giao quản lý nhưng chưa giao, chưa cho thuê nhằm khai thác tối đa lợi ích từ quỹ đất quản lý, tránh lãng phí.

+ Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã khi thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và các trường hợp thu hồi đất mà chưa có chủ đầu tư thực hiện giao lại đơn vị quản lý theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 86 Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

– Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, tham mưu phân bổ, bố trí nguồn lực, đặc biệt nguồn lực về tài chính đảm bảo cho sự hoạt động, phát triển của Trung tâm Phát triển quỹ đất trong quá trình nhận chuyển nhượng, bồi thường, GPMB, xây dựng hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất và các nhiệm vụ được giao.

c) Về phát triển thị trường bất động sản, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ngành liên quan:

– Khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt các dự án khu dân cư đô thị, đánh giá rõ nhu cầu thực tế thị trường, xu hướng/dự báo phát triển dân cư từ đó tham mưu, điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cho phù hợp, tránh quy hoạch, dự án treo, tránh gây lãng phí nguồn lực.

– Xây dựng các giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành về các biện pháp quản lý, phát triển thị trường bất động sản nhanh, mạnh, bền vững.

Để triển khai thực hiện kế hoạch hiệu quả, Ủy ban nhân dân giao

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm rà soát nội dung được giao tại Kế hoạch này và các nội dung khác nếu có theo chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch, lộ trình tham thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các nội dung được giao.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã kịp thời phản ảnh, đề xuất về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự toán bảo đảm cho việc thực hiện kế hoạch này; gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt hoặc phê duyệt bổ sung kinh phí thực hiện và tham mưu, giúp UBND tỉnh đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nội dung được giao tại Kế hoạch này.

Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính chủ trì tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí kịp thời để thực hiện kế hoạch này theo phân cấp ngân sách hiện hành; hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, thẩm tra, thẩm định công tác rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật được giao tại Kế hoạch này; Tham mưu triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn, trong đó ưu tiên cao điểm tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Đất đai, Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Các Hội, Hiệp hội, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh, Đài Phát thanh-Truyền hình, Báo Hải Dương căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho đông đảo đội ngũ cán bộ, nhân viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nắm được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0976.853.999