Kế hoạch Phòng, chống thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ Hai, 15 Tháng Tư, 2024 65 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng, chống thiên tai cần tập trung thực hiện trong năm 2024; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh. Ngày 08/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch số 1234/KH-UBND về Phòng, chống thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, có những nội dung chính như sau:

Nhận định xu thế thời tiết, khí hậu, tình hình thiên tai năm 2024

a) Xu thế nhiệt độ trung bình

Từ tháng 4-6/2024, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1,0- 1,50C so với trung bình nhiều năm; từ tháng 7-9/2024, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; từ tháng 10- 12/2024, nhiệt độ trung bình có xu hướng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

b) Xu thế lượng mưa

Từ tháng 4-6/2024, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; từ tháng 7-9/2024, tổng lượng mưa có xu hướng xấp xỉ với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; từ tháng 10-12/2024, lượng mưa có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

c) Nhận định về lũ, ảnh hưởng của thủy triều

Mùa lũ năm 2024 có khả năng xuất hiện muộn và không có lũ tiểu mãn. Toàn mùa xuất hiện từ 2 – 3 đợt dao động nhỏ. Đỉnh lũ năm trên các sông ở mức cao hơn đỉnh lũ năm 2023 và thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào tháng 7-9/2024.Các sông hạ lưu của Tỉnh như khu vực Tam Lưu, Nhị Chiểu thị xã Kinh Môn, sông Gùa, sông Mía, sông Rạng huyện Thanh Hà, Kim Thành, sông Thái Bình, sông Luộc huyện Tứ Kỳ cần đề phòng ảnh hưởng của nước dâng khi có bão đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng kết hợp với triều cường vào tháng 7 và tháng 8. Độ cao nước dâng trung bình từ 0m40 ÷ 0m60, lớn nhất có thể từ 1m00 ÷ 1m10.

d) Xu thế các hiện tượng khí hậu cực đoan

– Bão, áp thấp nhiệt đới: Từ tháng 4-6/2024ít có khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới; từ tháng 7-12/2024, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm và có khả năng tập trung nhiều vào thời kỳ nửa cuối mùa mưa bão từ tháng 7-9.

– Không khí lạnh và rét đậm, rét hại: Dự báo, không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm, khả năng xảy ra rét đậm, rét hại vào cuối năm 2024 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

– Nắng nóng: Hiện tượng nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

– Xâm nhập mặn: Từ tháng 4-5/2024, xu hướng xâm nhập mặn giảm dần vàít có khả năng gây nhiễm mặn ở các khu vực hạ lưu sông.

Với kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số loại hình thiên tai như giông lốc, mưa lớn, bão, sét gây một số thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và việc thực hiện nghiêm túc của các cấp, các ngành, các đơn vị nên công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai được khẩn trương thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai còn một số tồn tại như: Công tác dự báo, cảnh báo còn sai số nhất định; kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai của một số địa phương, đơn vị còn chưa sát với thực tế; còn có tư tưởng chủ quan, lơ là sau một số năm không có lũ cao, bão lớn… Kế hoạch đã nên những nhiệm vụ trọng tâm như:

– Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác quản lý đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

– Tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.

– Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành và chuẩn bị các lực lượng, vật tư, phương tiện và thông tin liên lạc. – Xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với điều kiện và tình hình thiên tai thực tế tại các địa phương, đơn vị.

– Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai.

– Tăng cường quản lý đầu tư, duy tu bảo dưỡng công trình đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Tổ chức quản lý, thường xuyên kiểm tra các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai hiện có.

– Thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban và chế độ báo cáo.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, kế hoạch đưa ra các giải pháp sau:

Giải pháp phi công trình

a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách

– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh ban hành “Quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên 4 nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương” trong năm 2024.

– Tiếp tục tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phòng, chống thiên tai.

b) Tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức

– Tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024.

– Đổi mới nội dung, hình thức truyền thông để phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai tới cộng đồng, phù hợp với từng đối tượng.

c) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, đào tạo nguồn nhân lực

Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng tinh gọn, đủ số lượng, chất lượng, năng lực, quyền hạn, hiệu lực, hiệu quả để chỉ đạo, chỉ huy điều hành kịp thời công tác phòng, chống thiên tai. Xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, diễn tập nâng cao năng lực trình độ phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

d) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai

Từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động phòng, tránh ứng phó những tác động do thiên tai có thể gây ra.

đ) Công tác diễn tập Tổ chức diễn tập ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chương trình, kế hoạch của các địa phương, đơn vị để nâng cao khả năng chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, phối hợp, hiệp đồng trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

e) Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng Xây dựng thôn, khu dân cư, xã an toàn thiên tai trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai, kỹ năng ứng phó thiên tai trong cộng đồng. phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh, ứng phó với thiên tai cho người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.

g) Ứng dụng khoa học công nghệ

Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ trong phòng, chống thiên tai; nghiên cứu cơ chế chia sẻ thông tin, phương thức truyền tin; ứng dụng khoa học, công nghệ tự động hóa trong kết nối, cập nhật, phân tích dữ liệu về thiên tai.

Giải pháp công trình

a) Đối với các dự án đã được bố trí kinh phí triển khai trong năm 2024

– Đẩy nhanh tiến độ thực hiện tu bổ các công trình đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai; sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng các hạng mục công trình theo kế hoạch được duyệt, đảm bảo thời gian, tiến độ.

– UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư các công trình tu bổ đê điều, thuỷ lợi nội đồng thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công công trình.

– Phát quang mái đê, mặt đê để đảm bảo công tác tuần tra, canh gác đê; tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bãi sông, trong lòng kênh mương; nạo vét, thông thoáng dòng chảy nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh nhất.

– Đối với các công trình đang thi công: Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

b) Đối với các trọng điểm phòng, chống thiên tai

– Tăng cường công tác kiểm tra các vị trí công trình đang có diễn biến hư hỏng đặc biệt các vị trí bờ lở nguy hiểm, xây dựng phương án bảo vệ để xử lý kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo an toàn công trình phòng, chống thiên tai.

– Cắm biển cảnh báo tại các khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao khi xảy ra thiên tai.

– Tiếp tục rà soát các khu, điểm dân cư, những điểm xung yếu, những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để phát hiện và có phương án xử lý kịp thời; tiếp tục tổ chức di dời các hộ dân tại các khu vực xung yếu, trong đó tập trung tổ chức di dời trước đối với những hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai; triển khai đầu tư xử lý các trọng điểm xung yếu về phòng, chống thiên tai.

c) Đối với các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai đang khai thác, sử dụng

Các đơn vị quản lý, khai thác phải kiểm tra, đánh giá, phát hiện kịp thời sự cố, sửa chữa, nâng cấp các công trình được giao.

Lồng ghép nội dung Phòng, chống thiên tai với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội

Các cấp, các ngành phải thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các chương trình, hoạt động của mình.

Triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai

Các địa phương, đơn vị thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên cơ sở Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Hải Dương, số 1988/PA-UBND ngày 08/6/2023 của UBND tỉnh phù hợp với từng thời điểm, điều kiện, diễn biễn tình hình thiên tai, khí hậu; phân công trách nhiệm ứng phó với từng cấp độ rủi ro thiên tai.

Tổ chức khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai

UBND các huyện, thành phố, thị xã phải xây dựng phương án hậu phương phòng, chống thiên tai để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong đó tập trung vào các nội dung sau:

– Tổ chức lực lượng ứng cứu tại chỗ đối với người, tài sản, tham gia giải toả ách tắc giao thông, bảo vệ mạng lưới điện thoại, điện cho sản xuất, sinh hoạt. Mỗi xã, phường, thị trấn phải tổ chức từ 1 đến 2 đại đội để làm nhiệm vụ này.

– Chuẩn bị các địa điểm đón dân di chuyển, sơ tán dân khi có tình huống thiên tai khẩn cấp. Chuẩn bị phương án hậu cần cung cấp lương thực, thực phẩm và bố trí ăn, nghỉ cho các lực lượng ứng cứu, lực lượng tăng cường nhất là trong tình huống phải xử lý sự cố dài ngày.

– Chuẩn bị đủ vật tư, giống dự phòng cho phương án khôi phục sản xuất để khi cần sử dụng cho việc gieo cấy lại. Có kế hoạch dự trữ lương thực để cứu trợ cho nhân dân khi thiên tai xảy ra.

– Có phương án hướng dẫn nhân dân tự dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… để chủ động tự cứu mình khi Nhà nước chưa kịp cứu trợ; phương án bảo đảm vệ sinh môi trường và cung cấp nước hợp vệ sinh khi thiên tai xảy ra. Quản lý chặt chẽ và có phương án bảo vệ các kho để chất hoá học, kho để thuốc bảo vệ thực vật, thú y… đề phòng úng, lụt xảy ra gây ô nhiễm môi trường. Có phương án phòng chống dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm, phương án đảm bảo an ninh trật tự…

– Làm tốt công tác bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân, chống mọi hành động lợi dụng thiên tai để chiếm đoạt, phá hoại tài sản; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi phá hoại, trộm cắp…; nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân; tu sửa nhà cửa, kho tàng, đường xá, trường học, bệnh viện…; làm tốt công tác phòng dịch cho người và gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường sau bão, lụt.

– Tổ chức tốt việc tiếp nhận, vận chuyển, quản lý và phân phát hàng cứu trợ đảm bảo đúng đối tượng; chăm sóc hỗ trợ cho người bị nạn chú ý quan tâm đến các hộ nghèo, gia đình chính sách, kiên quyết không để dân bị đói.

– Thực hiện tốt việc tổng hợp, thống kê số liệu thiệt hại để triển khai phương án khắc phục hậu quả, đề xuất hỗ trợ từ cấp trên. – Tăng cường sản xuất và sẵn sàng chi viện cho những vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Nêu cao tinh thần tương thân, tương ái trợ giúp sức người, sức của và các loại vật tư, giống cây, giống con thiết yếu cho vùng bị thiên tai gặp khó khăn sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.

Để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp các cơ quan của tỉnh trong ứng phó với thiên tai. Trách nhiệm ứng phó với từng cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp độ 1 đến cấp độ 5 được quy định cụ thể tại Điều 7, 8, 9, 10, 11 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Nhiệm vụ của UBND các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã phân công tại Kế hoạch số 2655/KH-UBND ngày 13/9/2022 của UBND tỉnh. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, lực lượng để tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả; chủ động xây dựng kế hoạch của ngành mình, cấp mình thật cụ thể, sát với điều kiện của địa phương, của ngành nhằm chủ động đối phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0976.853.999