Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9 năm 2021

Thứ Sáu, 17 Tháng Chín, 2021 349 lượt xem Chia sẻ bài viết:

1. Thêm nhiều quyền lợi mới về bảo hiểm xã hội

Ngày 01/9/2021 là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động Thương binh và xã hội ban hành hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo đó, thông tư 06 có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi đối với người tham gia BHXH bắt buộc, cụ thể như:

– Bổ sung thêm trường hợp vợ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng vẫn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trước đây chỉ quy định vợ không tham gia BHXH thì chồng mới được nhận khoản tiền này).

– Bổ sung thêm trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên.

– Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên thì chế độ thai sản được hưởng tính theo số lượng con đã sinh, không kể còn sống hay đã mất (trước đây chỉ giải quyết chế độ thai sản cho con còn sống)…

2. Không cần nộp giấy tờ tuỳ thân khi làm sổ đỏ

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực đất đai, người dân khi đi làm các thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ) không cần phải nộp bản sao CMND, Căn cước công dân hoặc Sổ hộ khẩu.

Thay vào đó, thông tin của người dân sẽ được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, Thông tư này cũng bổ sung 02 trường hợp đăng ký biến động được cấp Sổ đỏ bao gồm: Thửa đất được tách ra để cấp riêng Sổ đỏ đối với trường hợp Sổ đỏ được cấp chung cho nhiều thửa; Thay đổi diện tích đất ở trong thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định.

Một trong những điểm mới khác của Thông tư này là quy định cụ thể về việc ghi thông tin trên Sổ đỏ trong trường hợp người dân tự nguyện tặng cho một phần thửa đất, để làm đường giao thông, công trình thủy lợi hoặc công trình công cộng khác…

3. Giảm 50% phí chuyển tiền liên ngân hàng đến 01/7/2022

Chính sách này sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 01/9/202, theo tinh thần của Thông tư 13/2021/TT-NHNN về sửa đổi Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đồng ý giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, gồm:

– Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị chỉ còn tối thiểu là 1000 đồng/món và tối đa là 25.000 đồng/món (đối với giao dịch trước 15h30 trong ngày); tối thiểu là 2.000 đồng/món và tối đa là 50.000 đồng/món (đối với giao dịch sau 15h30 đến khi hệ thống dừng nhận giao dịch)

–  Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp là 1.000 đồng/món.

Việc giảm 50% mức phí nêu trên được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.

4. Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến ở cấp học THCS và THPT

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thông tư này chính thức bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến ở hai cấp học này, chỉ còn giữ lại danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi.

Một quy định mới khác là Thông tư này cũng không còn quy định xếp loại học lực của học sinh, dựa vào điểm trung bình các môn học như trước đây. Thay vào đó, học sinh được đánh giá bằng hình thức nhận xét và điểm số.

Hình thức đánh giá bằng nhận xét áp dụng với các môn:  Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Hình thức đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số áp dụng cho các môn học còn lại.

Các mức đánh giá học sinh bao gồm: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt.

Thông tư 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2021, tuy nhiên việc đánh giá học sinh theo Thông tư này được thực hiện theo lộ trình:

– Từ năm học 2021 – 2022: Áp dụng với học sinh lớp 6.

– Từ năm học 2022 – 2023: Áp dụng với học sinh lớp 7 và lớp 10.

– Từ năm học 2023 – 2024: Áp dụng với học sinh lớp 8 và lớp 11.

– Từ năm học 2024 – 2025: Áp dụng với học sinh lớp 9 và lớp 12.

5. Quy định mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công

Từ ngày 15.9.2021, Nghị định 75 của Chính phủ về các quy định liên quan đến mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công có hiệu lực.

Nghị định quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng là 4.872.000 đồng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.361.000 đồng; bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% trở lên được hưởng trợ cấp từ 1.695.000 đồng đến 4.137.000 đồng, tùy vào tỷ lệ tổn thương cơ thể…

Cũng theo nghị định, thân nhân của liệt sĩ khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ sẽ được hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho tối đa 3 ngày, mức hỗ trợ được tính là 3.000 đồng/km/người. Mức hỗ trợ cất bốc hài cốt liệt sĩ được quy định là 4 triệu đồng cho mỗi hài cốt liệt sĩ, nếu thân nhân liệt sĩ không có nguyện vọng an táng hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ thì được hỗ trợ kinh phí xây mộ liệt sĩ là 10 triệu đồng 1 mộ.

Nghị định có hiệu lực từ 15.9.2021 nhưng một số chế độ được áp dụng từ 1.7.2021 và 1.1.2022.

6. Hướng dẫn Phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021

Ngày 18/7/2021,   Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 và mẫu biểu báo cáo, có hiệu lực 01/9/2021.

Theo đó phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo được hướng dẫn như sau:

– Hộ nghèo: hộ có điểm A (Về mức thu nhập bình quân đầu người ) ≤ 140 điểm (tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 1.500.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn) và điểm B (Về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản )  ≥ 30 điểm ở khu vực nông thôn hoặc có điểm A ≤ 175 điểm ( tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 2.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị) và điểm B ≥ 30 điểm ở khu vực thành thị;

– Hộ cận nghèo: hộ có điểm A ≤ 140 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực nông thôn hoặc có điểm A ≤ 175 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực thành thị.

7. Các trường hợp chuyển muc đích sử dụng đất không phải xin phép

Ngày 30/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi Thông tư quy định hướng dẫn Luật Đất đai, có hiệu lực 01/9/2021.

Theo đó, Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:

  1. a) Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
  2. b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
  3. c) Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
  4. d) Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;

đ) Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang các loại đất khác thuộc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0976.853.999