Một số mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ANTT” tiêu biểu gắn với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh.

Thứ Sáu, 10 Tháng Mười Một, 2023 36 lượt xem Chia sẻ bài viết:

          Qua việc thực hiện hướng dẫn của Bộ Công an về xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) và theo dõi trên địa bàn tỉnh. Ngày 03/11/2023,  Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương thông báo số 231/TB-BCĐ về kết quả, cách làm hay trong xây dựng, thực hiện mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ANTT” gắn với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên phạm vi toàn tỉnh, để các đơn vị, địa phương nghiên cứu, tham khảo và vận dụng:

         1. Mô hình “Camera an ninh đảm bảo an ninh, trật tự” trên đại bàn Phường Tân Bình, thành phố Hải Dương

Phường Tân Bình thành lập năm 2010, có diện tích 270 ha, dân số 15.832 người, phân bổ tại 11 khu dân cư và 4 khu đô thị mới. Phường có tốc độ đô thị hóa nhanh, giáp ranh với 06 phường; có hệ thống giao thông với 426 phố, đường, ngõ, ngách, hẻm liên thông nhau. Từ phường Tân Bình có thể đi các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng và Nam Sách theo các trục đường như Ngô Quyền, Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Từ khi thành lập đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn phường cơ bản ổn định; phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được phát triển mạnh mẽ, được cấp ủy, chính quyền quan tâm và Nhân dân hưởng ứng. Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, thuận lợi cho phát triển kinh tế của địa phương, cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT, nhất là vấn đề tội phạm hoạt động liên huyện; vi phạm luật giao thông đường bộ vào các giờ cao điểm, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng của các đối tượng thanh niên… Từ thực tế trên và triển khai xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị đối với Công an phường Tân Bình1 , Công an thành phố Hải Dương đã chỉ đạo Công an phường báo cáo và tham mưu Đảng ủy, UBND xã xây dựng mô hình “Camera an ninh bảo đảm an ninh, trật tự” trên địa bàn. Căn cứ Kế hoạch số 2248/KH-CAT-PV01, ngày 22/7/2021; Quyết định số 2250/QĐ-CAT-PV01, ngày 22/7/2021 về ban hành Bộ tiêu chí tạm thời xây dựng “Công an xã, phường, thị trấn điển hình, kiểu mẫu về ANTT” thuộc Công an tỉnh Hải Dương, sau khi tiến hành khảo sát tình hình ANTT, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn, Công an thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 07/01/2022; UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND, ngày 07/01/2022 về công tác bảo đảm ANTT năm 2022 (Trong đó, chỉ đạo xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị); Công an phường Tân Bình báo cáo và tham mưu Đảng ủy, UBND phường chỉ đạo xây dựng mô hình “Camera đảm bảo an ninh, trật tự” trên địa bàn2 ; đồng thời chỉ đạo tổ chức Hội nghị ra mắt mô hình (16/8/2022). Ngay từ khi có chủ trương về xây dựng mô hình, Công an phường đã chủ động tham mưu Đảng ủy phường ban hành Nghị quyết số 36-NQ/ĐU, ngày 28/12/2021; UBND phường ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND, ngày 31/12/2021 về việc lãnh đạo, vận động Nhân dân tham gia lắp đặt hệ thống camera an ninh; Tờ trình số 109/TTr-CAP, ngày 05/8/2022 của Công an phường về việc xây dựng mô hình “Camera đảm bảo an ninh, trật tự” trên địa bàn phường Tân Bình. Qua đó, đã tuyên truyền, vận động Nhân dân và các cơ quan, doanh nghiệp trên bàn hiểu rõ tầm quan trọng của việc lắp đặt hệ thống camera an ninh; đồng thuận và nhất trí ủng hộ nguồn kinh phí trên 3 tỷ đồng phục vụ việc mua sắm 160 mắt camera an ninh để lắp đặt tại 120 vị trí tại 11/11 khu dân cư và hệ thống màn hình ti vi được tích hợp về trụ sở Công an phường phục vụ quản lý, giám sát tình hình ANTT trên địa bàn; đồng thời vận động 100% hộ dân thuộc 11 khu dân cư có lắp đặt camera an ninh ký cam kết tham gia cung cấp, trích xuất dữ liệu camera an ninh khi có đề nghị của lực lượng Công an; 100% hộ dân xung quanh các ví trí lắp đặt hệ thống camera tích hợp về trụ sở Công an phường phối hợp, tạo điều kiện cung cấp nguồn điện và kết nối sóng wifi phục vụ duy trì hoạt động của hệ thống camera an ninh. Quá trình vận hành hệ thống camera an ninh cùng với sự phối hợp của Nhân dân và các tổ chức, cơ quan tham gia cung cấp, trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera, sau 1 năm hoạt động, mô hình camera an ninh đã cung cấp cho lực lượng Công an thành phố trích xuất trên 300 lượt hình ảnh, phục vụ xác minh 17 vụ việc liên quan đến ANTT3 ; 4 vụ tai nạn, va chạm giao thông; 5 vụ việc mâu thuẫn; 2 vụ gây rối trật tự công cộng; 2 vụ Trộm cắp tài sản; giúp lực lượng Công an phường nắm bắt kịp thời giải tán 7 nhóm thanh niên tụ tập chơi khuya gây mất trật tự công cộng tại khu dân cư và sử dụng trái phép chất ma túy. Từ khi xây dựng và đưa vào hoạt động, mô hình đã góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về ANTT; giúp lực lượng Công an phường thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ANTT; tạo điều kiện để lực lượng Công an chủ động hơn trong công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, phòng ngừa, điều tra, xác minh, truy bắt đối tượng phạm tội và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm phối hợp của Nhân dân và các cơ quan, tổ chức trong phối hợp với lực lượng Công an tham gia bảo đảm ANTT trên địa bàn phường.

          2. Mô hình “ Đội Thanh niên xung kích tham gia bảo đảm ANTT” trên đại bàn xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc.

Xã Tân Tiến huyện Gia Lộc có diện tích 268,04 ha; có 1.491 hộ với 4.676 nhân khẩu, được phân bố tại 3 thôn Quán Đào, Đông Cận và Tam Lương. Xã nằm hai bên trục đường Tỉnh lộ 395; là địa bàn giáp ranh với nhiều xã (phía Bắc và phía Tây giáp xã Ngọc Sơn và xã Gia Xuyên, TP. Hải Dương; phía Đông giáp xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ; phía Nam giáp xã Gia Lương và Gia Khánh, huyện Gia Lộc), còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn, nhất là tội phạm hoạt động phạm tội liên huyện như trộm cắp tài sản; tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, đổ xả thải không đúng nơi quy định; vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông… Mặt khác, một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, nhất là tình trạng thanh thiếu niên trên địa bàn thường xuyên tụ tập chơi bời, đua xe, vi phạm luật giao thông đường bộ… Trước thực trạng trên, Công an huyện Gia Lộc chỉ đạo Công an xã tham mưu Đảng ủy, UBND xã lựa chọn xây dựng mô hình “Đội Thanh niên xung kích tham gia đảm bảo ANTT” tại xã Tân Tiến, qua đó góp phần bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở. Căn cứ kết quả khảo sát tình hình ANTT trên địa bàn, Công an xã đã tham mưu Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/ĐU, ngày 17/3/2022 chỉ đạo xây dựng mô hình “Đội Thanh niên xung kích tham gia đảm bảo ANTT” tại xã Tân Tiến; UBND xã ban hành Kế hoạch số 18A/KH-UBND, ngày 18/3/2022 về xây dựng mô hình; Quyết định số 50B/QĐ-UBND, ngày 18/3/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình; đồng thời giao nhiệm vụ Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã phối hợp Công an xã Tân Tiến xây dựng Kế hoạch số 02-KH/ĐTN-CA về thành lập mô hình. Sau khi mô hình được thành lập, UBND xã đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-UBND, ngày 21/3/2022 thành lập Đội thanh niên xung kích gồm 10 thành viên là các đoàn viên, thanh niên thuộc 3 thôn của xã Tân Tiến (từ khi thành lập mô hình đến nay, do có sự thay đổi về thành viên, Đội Thanh niên xung kích đã có 03 lần được kiện toàn tại các Quyết định số 638/QĐ-UBND ngày 03/11/2022 và Quyết định số 29/QĐ-UBND, ngày 03/3/2023). Đồng thời, UBND xã đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-UBND, ngày 22/3/2022 quy định về tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Đội Thanh niên xung kích tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn xã. Sau 18 tháng mô hình đi vào hoạt động (3/2022), Đảng ủy, UBND xã thường xuyên chỉ đạo Ban Chỉ đạo 138 xã, Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình thường xuyên phối hợp các đội nghiệp vụ Công an huyện, đặc biệt là Công an xã Tân Tiến tích cực tuyên truyền về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; vận động nhân dân trên địa bàn tham gia tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; thường xuyên 4 tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng tại Nhà văn hóa thôn để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau; thực hiện nếp sống văn hoá, lành mạnh; nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không để các loại tội phạm và tệ nạn xã hội xâm nhập vào địa bàn; phối hợp với cán bộ phụ trách văn hóa xã duy trì tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã 1 buổi/tuần để Nhân dân chủ động nắm, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Đội Thanh niên xung kích thường xuyên cùng với lực lượng Công an xã bán chuyên trách và các lực lượng chức năng tổ chức hướng dẫn, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh và công nhân lao động tại các cổng trường học, cổng các công ty khi tan học và hết giờ làm việc. Qua đó, góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn xã, không để xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn. Từ khi xây dựng mô hình, Đội Thanh niên xung kích đã nắm bắt và cung cấp thông tin cho Công an xã kịp thời hòa giải thành công 6 vụ mâu thuẫn gia đình; phát hiện và phối hợp giáo dục 16 lượt học sinh vi phạm pháp luật (đốt pháo nổ trái phép; đua xe, lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông); phối hợp cùng các lực lượng chức năng của xã thực hiện tuyên truyền, vận động Nhân dân cung cấp thông tin làm sạch dữ liệu dân cư và làm CCCD gắn chip cho 100% công dân chưa được cấp; tham gia đội tuyên truyền kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho 100% cán bộ, đảng viên và người dân của xã (đến hết ngày 26/7/2023, đã thu nhận tổng số 3.020 hồ sơ định danh điện tử mức độ 2, đạt 89% trên tổng số cấp CCCD; kích hoạt tài khoản định danh điện từ đạt 2.907 hồ sơ, đạt 96,2%). Đội Thanh niên xung kích đã chủ động phát hiện, phối hợp Công an xã, Ban Chấp hành Đoàn xã và trực tiếp thực hiện quản lý, giáo dục, cảm hóa thành công 1 học sinh hư trên địa bàn tiến bộ; bàn giao cho Công an xã đề nghị Ban Giám hiệu trường học phối hợp quản lý, giáo dục 2 học sinh đốt pháo trái phép; 1 học sinh vi phạm quy định về quy tắc ứng xử; phát hiện 5 trường hợp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân buôn bán các mặt hàng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc; bàn giao Công an xã Tân Tiến lập hồ sơ xử lý hành chính 3 trường hợp có hành vi đổ chất thải vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, phát huy vai trò thanh niên xung kích, gương mẫu đi đầu, Đội Thanh niên xung kích đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và Nhân dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, đã tích cực vận động Nhân dân tham gia hiến đất mở rộng đường làng, ngõ, xóm; xây dựng môi trường, cảnh quan nông thôn mới; thi đua làm kinh tế giỏi trong các đoàn viên thanh niên nông thôn góp phần thực hiện nhiệm vụ đưa xã Tân Tiến thành xã Nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đồng thời, chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên xã, Ủy ban MTTQ xã và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức phát động Nhân dân duy trì thực hiện Tuần Đền ơn đáp nghĩa; tặng quà cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng vào các dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn của dân tộc (tặng 6 suất quà trị giá 1.500.000đ/1 suất; tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Suốt nhân dịp khánh thành Nhà tình nghĩa; tặng quà gia đình bà Trần Thị Ngân, diện hộ nghèo nhân dịp bàn giao Nhà Đại đoàn kết); vận động 7 5 thành viên Đội Thanh niên xung kích là đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện; phối hợp Ban Chỉ huy quân sự xã và Công an xã tổ chức gặp mặt, động viên 11 đoàn viên thanh niên hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2023.

         3.Mô hình “Doanh nghiệp an toàn về an ninh, trật tự” tại Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương”

Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương được thành lập theo Giấy phép kinh doanh số 0800001348 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp lần đầu vào tháng 02/2006 (đã có 5 lần điều chỉnh kinh doanh), hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước; lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp; sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng; vận tải hàng hóa đường bộ; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác; tư vấn kiến trúc và kỹ thuật có liên quan… Công ty đặt trụ sở hoạt động tại số 10 Hồng Quang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, có 7 phòng, ban và 18 Chi nhánh trực thuộc với 933 cán bộ, công nhân viên (Trong đó, có 285 đồng chí là Đảng viên, sinh hoạt tại 24 Chi bộ trực thuộc; 170 cán bộ là đoàn viên thanh niên và 37 đồng chí là hội viên Hội Cựu chiến binh). Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, công ty từng bước khẳng định uy tín, vị thế hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh; thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; quan tâm phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; xây dựng và củng cố lực lượng bảo vệ của công ty; thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển của công ty. Hiện nay, công ty đang quản lý mạng lưới đường ống cấp nước bao phủ toàn bộ địa bàn tỉnh, thực hiện cấp nước cho 150 xã, phường, thị trấn với gần 260 nghìn hộ khách hàng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tội phạm hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản, trộm cắp tài sản là thiết bị gồm ống nước, đồng hồ nước và trộm cắp nước sạch gây thất thoát tài sản của công ty… Căn cứ hướng dẫn của Công an tỉnh và triển khai Đề án “Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn; cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh, trật tự”, ban lãnh đạo công ty đã lựa chọn xây dựng mô hình “Doanh nghiệp an toàn về an ninh, trật tự” trong công ty, qua đó góp phần bảo đảm ANTT trong công ty và tại địa bàn cơ sở. Căn cứ kết quả khảo sát, lãnh đạo công ty ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng mô hình “Doanh nghiệp an toàn về ANTT”4 . Ngay sau khi thành lập được Ban Chỉ đạo mô hình (gồm 28 thành viên, do Tổng Giám đốc công ty làm Trưởng ban), Ban Chỉ đạo mô hình đã tham mưu lãnh đạo công ty ban hành Kế hoạch số 907/KH-KDNS, ngày 15/6/2022 về triển khai xây dựng mô hình; đồng thời thống nhất xây dựng, ban hành Quy ước xây dựng mô hình; Quy chế hoạt động của mô hình (thống nhất cơ chế hoạt động, phân công trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo; quy chế hội họp của Ban Chỉ đạo mô hình…) và tổ chức ra mắt mô hình (Tại hội nghị ra mắt mô hình, đại diện các phòng và chi nhánh của công ty đã ký giao ước thi đua, hưởng ứng tham gia mô hình). Sau 17 tháng triển khai xây dựng mô hình (6/2022), Ban Chỉ đạo mô hình chủ động phối hợp phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tích cực tuyên truyền về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động trong công ty tham gia tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không để các loại tội phạm và tệ nạn xã hội xâm nhập vào công ty…; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao để tăng cường đoàn kết, xây dựng nếp sống lành mạnh, văn hóa nơi công sở. Kết quả, Ban Chỉ đạo mô hình đã tham mưu đề xuất lực lượng bảo vệ (35 đồng chí) chia thành 3 ca trực/ngày thường xuyên tuần tra, bảo vệ an ninh, trật tự xung quanh công ty và các chi nhánh nhằm phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, sự cố trong quá trình vận hành, sản xuất để kịp thời phát hiện và bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất của công ty. Ban Chỉ đạo mô hình đã phối hợp với các phòng có liên quan tham mưu lãnh đạo công ty tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 4 cho trên 200 học viên; tổ chức mở 1 lớp bồi dưỡng kiến thức, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho 237 người lao động trong công ty; báo cáo đề xuất lãnh đạo công ty phê duyệt lắp đặt 222 camera giám sát phục vụ công tác quản lý tài sản, phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản của công ty; phối hợp Công an các đơn vị hướng dẫn Chi nhánh kinh doanh nước sạch số 8 tham gia liên kết cụm gồm 9 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn triển khai cụm liên kết bảo đảm ANTT. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo mô hình chủ động phối hợp các phòng liên quan tích cực tham mưu lãnh đạo công ty tổ chức phát động phong trào xây dựng quỹ khuyến học, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, tặng quà cho các thương bệnh binh, gia đình Liệt sĩ, các hộ nghèo… trên địa bàn tỉnh; trích quỹ phúc lợi để động viên con em cán bộ, công nhân viên trong công ty vào các ngày 01/6, Tết Trung thu; tổ chức cho cán bộ, công nhân viên đi du lịch để động viên tinh thần, khuyến khích cán bộ lao động, sản xuất. Kết quả, đã phối hợp đề nghị lãnh đạo công ty phê duyệt trích quỹ công ty và vận động cán bộ, công nhân viên ủng hộ số tiền 268 triệu đồng; nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu 15 trẻ mồ côi, hỗ trợ xây 30 nhà “Đại đoàn kết”; động viên, tặng quà, hỗ trợ với tổng số tiền 105 triệu đồng cho 5 cán bộ, người lao động của công ty có hoàn cảnh khó khăn. Hiệu quả của mô hình đã góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa các cán bộ, công nhân viên, người lao động, lực lượng bảo vệ của công ty trong công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tình hình ANTT tại công ty và địa bàn xung quanh công ty được đảm bảo, không xảy ra tội phạm và vi phạm pháp luật về hủy hoại tài sản, trộm cắp tài sản của công ty; nội bộ cán bộ đoàn kết, thống nhất, yên tâm công tác, phục vụ hiệu quả phát triển sản xuất, kinh doanh của công ty.

         4. Mô hình “Dòng họ an toàn về ANTT” tại dòng họ Bùi, xã Kim Anh, huyện Kim Thành.

Xã Kim Anh huyện Kim Thành có diện tích 413,12 ha, dân số 7.889 người được phân bổ tại 7 thôn. Xã có quốc lộ 17B, tỉnh lộ 388 và đường trục liên xã chạy qua, thuận lợi cho phát triển kinh tế của địa phương. Trong nhiều năm qua, tình hình ANCT – TTATXH trên địa bàn xã cơ bản ổn định đã góp phần phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã luôn được quan tâm phát động và duy trì, nhất là xây dựng mô hình “Tự quản, tự phòng ngừa, tự bảo vệ ANTT”. Tuy nhiên, qua đánh giá một số loại tội phạm và tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp, đặc biệt là hoạt động của các đối tượng cờ bạc, ma túy tại các khu vực giáp ranh giữa xã Kim Anh với các xã Kim Liên, Kim Tân, Ngũ Phúc và thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành; một số mô hình hoạt động chưa thực sự nổi bật. Công an huyện Kim Thành đã chỉ đạo Công an các đơn vị phối hợp với Công an xã Kim Anh và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tham mưu Đảng ủy, UBND xã căn cứ tình hình địa phương nghiên cứu và xây dựng mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với đặc điểm địa bàn xã. Qua nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, hiện nay trên địa bàn xã Kim Anh có 17 dòng họ, trong đó, dòng họ Bùi là một dòng họ lớn của xã; các thành viên trong dòng họ chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; 100% hộ gia đình trong dòng họ đều đạt tiêu chí và được công nhận là Gia đình văn hóa; không có thành viên vi phạm pháp luật; nhiều thành viên trong dòng họ hiện đang công tác và giữ các vị trí quan trọng; dòng họ đã duy trì và giữ gìn được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giữa các thành viên trong dòng họ và với các dòng họ khác trong xã. Xuất phát từ thực tế, Đảng ủy, UBND xã đã ban hành chủ trương về xây dựng mô hình “Dòng họ an toàn về ANTT” tại dòng họ Bùi. Căn cứ kết quả khảo sát về đặc điểm địa bàn, tình hình ANTT xã Kim Anh và đề xuất của Công an xã, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo và thống nhất lựa chọn dòng họ Bùi để xây dựng mô hình “Dòng họ an toàn về ANTT”5 . Tại Hội nghị ra mắt mô hình, các thành viên trong mô hình đã tổ chức ký cam kết thực hiện Kế hoạch xây dựng, triển khai hoạt động và thực hiện quy ước của mô hình. Qua 03 năm triển khai xây dựng mô hình “Dòng họ an toàn về ANTT”, các thành viên trong dòng họ Bùi nói riêng và Nhân dân của xã nói chung đã nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn; các thành viên Ban Chỉ đạo mô hình đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng Công an xã trong triển khai thực hiện và tổ chức tuyên truyền để Nhân dân nắm rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; đối với các thành viên trong dòng họ tiếp tục thực hiện tốt quy ước của dòng họ; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và trong các dịp Lễ, hội quan trọng như trong dịp Tết Nguyên đán vận động Nhân dân bài trừ mê tín dị đoan, không uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, chất có cồn tham gia giao thông. Thực hiện hướng dẫn của Công an huyện, Ban Chỉ đạo mô hình đã quan tâm phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong mỗi gia đình của dòng họ; triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước như “Hải Dương cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Tết trồng cây”6 , phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” trong mỗi gia đình. Dòng họ đã quan tâm giúp đỡ các thành viên còn hoàn cảnh kém may mắn, giúp nhau sinh kế làm ăn như cho vay vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ và cải tiến phương pháp, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp… Qua đó, 100% các hộ gia đình trong dòng họ đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không có hộ nghèo. Đồng thời, tích cực tham gia tổ hòa giải cộng đồng, các thành viên đã tham gia hòa giải 1 vụ mâu thuẫn giữa 2 gia đình liên quan đến tranh chấp đất đai. Qua công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, các thành viên trong mô hình đã vận động nhân dân giao nộp 10 công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ gồm dao, kiếm các loại; vận động 1 người dân trên địa bàn xã giao nộp 1 bánh pháo nổ, 1 súng tự chế; cung cấp 34 nguồn tin liên quan đến ANTT và chuyển cho lực lượng Công an xác minh. Theo đó, đã có 14 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an phát hiện và xử lý 2 vụ gian lận thương mại, buôn bán pháo nổ; 1 vụ sử dụng trái phép chất ma túy; 1 vụ đánh bạc… Đồng thời, các thành viên trong mô hình đã cung cấp thông tin về các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn xã và phối hợp với Công an xã lập hồ sơ đề nghị đưa 3 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm; tham gia phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong xã thực hiện giáo dục, cảm hóa thành công 7 đối tượng. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, các thành viên trong dòng họ đã tích cực tuyên truyền và vận động các thành viên trong gia đình chấp hành nghiêm quy định của Bộ Y tế và địa phương về công tác phòng dịch; tuân thủ quy định “5K”; cử các thành viên tham gia 51 “Tổ Covid cộng đồng”, 2 “Tổ kiểm tra di động”, “Tổ phản ứng nhanh” phục vụ công tác rà soát, kịp thời phát hiện 77 trường hợp người lạ vào địa bàn để yêu cầu khai báo y tế; 7 cá nhân vi phạm quy định về phòng dịch. Đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ Bùi, trong 3 năm, Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình đã phối hợp với Ban Khuyến học họ Bùi tỉnh Hải Dương tổ chức lễ dâng hương và tuyên dương, khen thưởng cho các cháu trong họ đạt thành tích cao trong học tập; đã trao 165 suất học bổng, tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng.

         5. Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ.

Xã Cộng Lạc nằm ở khu hạ của huyện Tứ Kỳ, cách thị trấn Tứ Kỳ 6 km về phía Đông Nam; phía Bắc giáp xã Văn Tố và An Thanh, phía Nam giáp xã Tiên Động; phía Đông Nam giáp xã Quang Trung và phía Tây giáp xã Phượng Kỳ. Xã có diện tích tự nhiên 575,66 ha; tổng dân số khoảng 6.000 người, phân bổ tại 05 thôn gồm Bình Hàn, Hàm Hy, Đôn Giáo, Tất Thượng và Tất Hạ. Qua đánh giá tình hình ANTT trên địa bàn xã Cộng Lạc trong những năm qua cơ bản ổn định, tuy nhiên còn tiềm ẩn phức tạp, đặc biệt là hoạt động của các đối tượng phạm tội trộm cắp tài sản là các sản phẩm nông sản của bà con nông dân trên địa bàn và các xã giáp ranh; một số mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ hoạt động chưa thực sự nổi bật; chưa huy động được tinh thần, trách nhiệm, phát huy được sự đoàn kết của Nhân dân trên địa bàn mỗi khi có sự việc cần huy động, tập hợp Nhân dân tham gia… Xuất phát từ thực tế tình hình địa bàn, Công an huyện Tứ Kỳ đã chỉ đạo Công an các đơn vị phối hợp với Công an xã Cộng Lạc và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tham mưu Đảng ủy, UBND xã nghiên cứu và xây dựng mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với đặc điểm địa bàn xã. Qua đó, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã tham mưu xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” hoạt động tại 5 thôn của xã Cộng Lạc, góp phần xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, duy trì và nâng cao tinh thần trách nhiệm và mối đoàn kết trong nhà, ngoài ngõ của từng người dân tại từng thôn, làng trên địa bàn. Sau khi tiến hành khảo sát, Công an xã Cộng Lạc đã tham mưu Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết; UBND xã ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình và thành lập được Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình (Gồm 20 thành viên. Ban Chỉ đạo đã được kiện toàn 02 lần); thành lập được Tiểu ban chỉ đạo thực hiện mô hình (Tiểu ban chỉ đạo được thành lập tại 5 thôn. Từ khi thành lập đến nay đã 3 lần kiện toàn và có 94 lượt thành viên tham gia). Đồng thời, tuyên truyền, vận động được 120 lượt thành viên chia thành 5 tổ hoạt động tại 5 thôn tự nguyện tham gia thực hiện mô hình. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo mô hình đã tham mưu UBND xã ban hành Quyết định về việc quy định hoạt động của mô hình (Trong đó, quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh; hoạt động của Ban Chỉ đạo và các thành viên; nhiệm vụ, quyền hạn của thôn, người quản lý kẻng; trách nhiệm của Nhân dân ghi nghe tiếng gõ kẻng…). Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được xây dựng dựa trên tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Mỗi thôn được lắp đặt 1 kẻng báo hiệu và do 1 thành viên (UBND xã đã ký hợp đồng lao động 300.000đ/người/tháng để động viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thành viên trực tiếp quản lý gõ kẻng) được phân công làm nhiệm vụ gõ kẻng hằng ngày vào 22h để nhắc nhở người dân hạn chế ra đường, không tập trung đông người vào lúc đêm khuya vắng, đồng thời nâng cao ý thức và thực hiện các biện pháp phòng gian như kiểm tra tài sản, khóa cửa trước khi đi ngủ. Theo quy ước, khi đánh 1 hồi dài, 3 tiếng/nhịp dồn dập nhanh liên tục là thông báo có vẫn đề phức tạp về ANTT như trộm cắp tài sản, gây mất ANTT, hoặc xảy ra thiên tai, hỏa hoạn thì thông báo Nhân dân nắm được huy động những thành viên là thanh niên xung kích tham gia phối hợp bảo đảm ANTT trên địa bàn. Từ khi xây dựng và ra mắt hoạt động của mô hình đến nay (01/2020), mô hình được đánh giá hoạt động hiệu quả tốt, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật giảm rõ rệt. Các thành viên trong mô hình hoạt động tích cực, tự giác, thường xuyên được Công an xã và các đội nghiệp vụ Công an huyện hướng dẫn kỹ năng phát hiện và xử lý các tình huống phức tạp về ANTT; thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia, thực hiện nghĩa vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn khi có hiệu lệnh của tiếng kẻng. Kết quả, từ khi “Tiếng kẻng an ninh” đi vào hoạt động, đã “thông báo” Nhân dân phối hợp với lực lượng Công an xã kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý 12 vụ trộm cắp tài sản; 4 vụ Cố ý gây thương tích; 1 vụ Cướp giật tài sản; 3 vụ ma túy; 4 vụ đánh bạc; 2 vụ gây rối trật tự công cộng; 2 vụ đốt pháo trái phép; kịp thời ngăn chặn, giải quyết 1 vụ mâu thuẫn của công nhân công ty GFT; ngoài ra, các thành viên trong mô hình còn cung cấp thông tin, phối hợp lực lượng Công an xã lập hồ sơ đưa 1 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, 3 hồ sơ đưa đối tượng vào diện giáo dục tại xã. Đặc biệt, trong giai đoạn phòng dịch Covid-19, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã phát huy tác dụng tham gia công tác phòng dịch. Các thành viên đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền Nhân dân các biện pháp phòng dịch; đồng thời duy trì hoạt động gõ kẻng thường xuyên để nhắc nhở Nhân dân thực hiện quy định không ra khỏi nhà trong thời gian phòng dịch Covid-19 và phát hiện người lạ vào địa bàn, qua đó góp phần vào kết quả phòng dịch Covid-19 của xã Cộng Lạc.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0976.853.999