Hải Dương ban hành Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, kéo giảm bền vững tội phạm về trật tự xã hội

Thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai, 2023 36 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, lấy chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính; lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm; lấy người dân là trung tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân, sự hài lòng, tin yêu của Nhân dân là sức mạnh to lớn trong công tác phòng, chống tội phạm và Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm ít nhất 10% số vụ phạm tội về trật tự xã hội trong năm 2023 và kéo giảm bền vững trong những năm tiếp theo; đổi mới về tư duy nhận thức trong tổ chức, tạo chuyển biến thực chất, hiệu quả, sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm môi trường thuận lợi, lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Ngày 15 tháng 12 năm 2023, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 4820/KH-BCĐ về nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, kéo giảm bền vững tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch có các nội dung cụ thể như sau:

Kế hoạch xác định 05 nhiệm vụ trọng tâm sau:

  1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm, trọng tâm là: Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 04/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
  2. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội; chú trọng nội dung tuyên truyền phù hợp, sát với tình hình thực tế, trọng tâm là phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm như: Giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục, cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là lừa đảo trên không gian mạng…
  3. Chủ động rà soát, nắm tình hình, tiếp nhận thông tin, phát hiện mâu thuẫn trong Nhân dân ngay khi mới phát sinh; kịp thời có biện pháp giải quyết 2 không để mâu thuẫn nhỏ trở thành mâu thuẫn lớn, kéo dài dẫn đến các vụ việc, vụ án phức tạp, nghiêm trọng như giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…; trong đó, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc giải quyết mâu thuẫn trên địa bàn.
  4. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý đối tượng, quản lý địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; chủ động rà soát, lập danh sách, phân loại, đánh giá, phân công lực lượng tổ chức quản lý chặt chẽ người có tiền án, tiền sự, đối tượng quản lý theo pháp luật, nghiệp vụ, người mắc bệnh tâm thần, có tiền sử tâm thần, người nghiện ma túy, sử dụng trái phép ma túy, sau cai nghiện ma túy, “ngáo đá”, nghiện rượu, đối tượng lưu manh, côn đồ, trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật…
  5. Rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình phòng, chống tội phạm ở cơ sở. Duy trì hiệu quả, nhân rộng mô hình “Camera an ninh”. Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 Để thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm nên trên, Ban Chỉ đạo tỉnh phân công nhiệm vụ như sau:

  1. Công an tỉnh

– Phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở tại các địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp, có nguy cơ xảy ra tội phạm về trật tự xã hội (Thực hiện thường xuyên).

– Chủ động rà soát, đánh giá phân loại địa bàn cấp xã có nguy cơ xảy ra phức tạp về trật tự xã hội để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các giải pháp cụ thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị sớm chuyển hóa từ địa bàn nguy cơ cao, có nguy cơ thành địa bàn nguy cơ thấp, địa bàn ổn định, trong sạch; (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

– Chủ trì tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương rà soát, thống kê, giải quyết ổn định các vụ việc mâu thuẫn tại địa bàn, không để phát sinh phức tạp, kéo dài (trước mắt, tiến hành làm điểm tại huyện Bình Giang hoàn thành trước ngày 12/01/2024, sau đó nhân rộng, phổ biến phương pháp hiệu quả ra địa bàn toàn tỉnh và tổ chức thực hiện thường xuyên).

– Rà soát, lập danh sách, quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, đối tượng “ngáo đá”, người sau cai nghiện để quản lý, theo dõi, góp phần phòng ngừa tội phạm (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024, sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

– Định kỳ hằng tháng gọi hỏi, răn đe, kiểm danh, kiểm diện các đối tượng hình sự, ma túy, các đối tượng có biểu hiện lưu manh, côn đồ, thanh thiếu niên hư ở địa bàn cơ sở.

– Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thu hồi và đấu tranh với tội 3 phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Thực hiện thường xuyên).

– Tích cực tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, “tội phạm đường phố”, tội phạm mua bán người, xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông… Nâng cao hiệu quả công tác bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã (Thực hiện thường xuyên).

– Tập trung xây dựng 06 đơn vị Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị1 (Hoàn thành trong năm 2023 và phấn đấu xây dựng số Công an xã, phường, thị trấn điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh đạt 75% trước năm 2025 và 100% trước năm 2030); xây dựng thí điểm mô hình “Công an cấp huyện điển hình, kiểu mẫu về ANTT” đối với Công an huyện Bình Giang; phấn đấu đạt 100% tiêu chí đề ra (Hoàn thành sau 01 năm triển khai và đưa ra lộ trình nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo).

  1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

– Tiếp tục thực hiện hiệu quả Hướng dẫn liên ngành số 2472/HDLN-CASLĐTBXH ngày 15/6/2023 của liên ngành Công an tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh về công tác lập hồ sơ, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Hải Dương (Thực hiện thường xuyên).

– Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện dự thảo, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

– Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an thực hiện tổng rà soát người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

  1. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng trong việc thực hiện phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu, hồi phục cho người tham gia cai nghiện ma túy dưới các hình thức, người mắc bệnh tâm thần kinh, nhằm nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy; hạn chế, giảm thiểu số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến số đối tượng này (Thực hiện xong trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

  1. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát tất cả những vụ việc mâu thuẫn kéo dài liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vấn đề về đất đai, quyền sở hữu, chuyển nhượng, về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… để có giải pháp tham mưu giải quyết triệt để (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

  1. Sở Tư pháp

– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (Thực hiện thường xuyên).

– Rà soát, đánh giá hiệu quả công tác hòa giải ở địa bàn cơ sở; chủ động hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhất là hướng dẫn kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; kiểm tra, giám sát và khen thưởng việc thực hiện quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

  1. Sở Giáo dục và Đào tạo

– Phối hợp Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tăng cường phổ biến, giảng dạy các nội dung về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong trường học, các cơ sở giáo dục, dạy học; gắn với tổ chức ký cam kết cho 100% cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, không để tự ý tham gia hoặc bị các đối tượng phạm tội móc nối, lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật; tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, nhất là các vi phạm xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em, cờ bạc, cá độ bóng đá, ma túy, ma túy “núp bóng”, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ, vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông,… (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

– Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiến hành rà soát, lập danh sách thông tin về số học sinh cá biệt, thường xuyên vi phạm kỷ luật, “nghiện game”; tham gia các nhóm điều khiển xe mô tô phóng nhanh, lạng lách, gây mất ANTT trên các tuyến phố; số có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sử dụng ma túy, thuốc lá điện tử…, gửi về Công an cấp huyện để có biện pháp phối hợp quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra tội phạm (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

  1. Sở Thông tin và Truyền thông

– Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm như: Trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng,… (Thực hiện thường xuyên).

– Phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thông tin, dịch vụ viễn thông, internet; lợi dụng mạng lưới bưu chính viễn thông, mạng internet để vi phạm pháp luật, đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội,… (Thực hiện thường xuyên).

– Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai việc lắp đặt hệ thống “Camera an ninh” tại các khu dân cư, thôn, xóm để phục vụ công tác phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

  1. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh Phối hợp thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và các hoạt động điều tra, bắt, giam giữ, xử lý tội phạm và triển khai các biện pháp phòng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Phối hợp lựa chọn, thống nhất đưa ra xét xử lưu động, xét xử trực truyến các vụ án điểm, các vụ án được dư luận quan tâm, có tính điển hình để giáo dục, răn đe phòng ngừa tội phạm (Thực hiện thường xuyên).
  2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh

– Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của các tổ hòa giải; tạo điều kiện và động viên, khuyến khích hội viên, thành viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải, giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

– Chỉ đạo tổ chức đoàn thể ở địa phương tham gia, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác quản lý, cảm hóa giáo dục, động viên, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi, người nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, người mắc bệnh tâm thần có nguy cơ xâm phạm về trật tự xã hội (Thực hiện thường xuyên); phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng trong công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn ở cơ sở (Thực hiện thường xuyên).

– Hội Phụ nữ tỉnh duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam”; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, phòng, chống mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái trên địa bàn tỉnh (Thực hiện thường xuyên).

– Tỉnh đoàn Hải Dương tiếp tục phát huy hiệu quả, đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa lực lượng Công an với tổ chức đoàn trên địa bàn dân cư, trường 6 học, doanh nghiệp; hoạt động của các đội thanh niên xung kích, đội thanh niên tự quản, tổ tuần tra thanh niên ở cơ sở. (Thực hiện thường xuyên).

  1. Các sở, ban, ngành khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm đối với cán bộ, đảng viên, công nhân và nhân dân. Tích cực trao đổi, tố giác, kiến nghị khởi tố với Cơ quan Công an, Viện kiểm sát khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trên lĩnh vực quản lý.

  1. Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố

– Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, các cơ quan đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo bảo vệ an ninh Tổ quốc (Thực hiện thường xuyên).

– Chỉ đạo các ngành, các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được giao để chủ động rà soát, đánh giá, nhận diện đúng tình hình, xác định rõ nguy cơ, nguyên nhân, điều kiện, mâu thuẫn làm phát sinh tội phạm về trật tự xã hội để có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả cao (Thực hiện thường xuyên).

– Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm như: cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm xâm hại tình dục; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, các loại tội phạm liên quan đến không gian mạng… (Thực hiện thường xuyên).

– Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn. Duy trì hiệu quả, nhân rộng mô hình “Camera an ninh” trên địa bàn; nghiên cứu, triển khai việc lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống Camera an ninh trên địa bàn khu dân cư, thôn, xóm để kịp thời phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. (Thực hiện thường xuyên).

– Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tội phạm trên địa bàn; khẩn trương giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự nổi lên, góp phần kéo giảm ít nhất 10% số vụ phạm tội về trật tự xã hội trên địa bàn (Thực hiện thường xuyên).

– Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 138 cấp xã:

+ Rà soát, lập danh sách để phân công lực lượng theo dõi, quản lý đối với các loại đối tượng sau: (1)Số đối tượng có tiền án, tiền sự (lập danh sách, đánh giá, phân loại đối tượng có nguy cơ hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật để tổ chức quản lý); (2)người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người quản lý sau cai; (3)số đối tượng có biểu hiệu hoạt động cờ bạc, mại dâm, trộm cắp tài sản; (4)số thanh thiếu niên hư, điều khiển phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng gây rối trật tự công cộng; (5)người sử dụng ma túy 7 có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá’ có nguy cơ xâm phạm TTXH; (6)người mắc bệnh tâm thần kinh, có tiền sử tâm thần, nghiện rượu; (7) đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; (8)đối tượng liên quan hoạt động “tín dụng đen” (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên). Phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong công tác quản lý đối tượng, tổ chức viết cam kết “không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự”; thu hồi số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn (Hoàn thành trước ngày 31/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên); định kỳ hằng tháng tiến hành kiểm danh, kiểm diện, giáo dục, cảm hóa số đối tượng này (lập biên bản làm việc).

+ Thống kê, lập danh sách các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân trên địa bàn; dự báo tình hình, xác định mức độ các vụ việc; chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể để kịp thời hoà giải, giải quyết sớm các mâu thuẫn, xung đột xã hội trong nội bộ Nhân dân ngay từ khi mới phát sinh, không để tích tụ kéo dài, nhất là mâu thuẫn về tôn giáo, đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, mâu thuẫn trong sinh hoạt, việc thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động… không để phát sinh vụ việc phức tạp, vụ án, hình thành “điểm nóng” về ANTT (Hoàn thành trước ngày 12/01/2024 và sau đó, tổ chức thực hiện thường xuyên).

+ Chỉ đạo các lực lượng khác tích cực, tham gia phối hợp cùng lực lượng Công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín trên địa bàn, tại các khu vực phức tạp, trọng điểm vào buổi tối, ban đêm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật (Thực hiện thường xuyên).

+ Cơ quan Công an là cơ quan thường trực, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác này; thường xuyên tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Ban Chỉ đạo 138 tỉnh (qua Công an tỉnh – Cơ quan thường trực).

Để tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị:

  1. Các thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và nội dung được phân công; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình hình tội phạm về trật tự xã hội phức tạp trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách; trước khi ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện, trân trọng đề nghị các đơn vị, địa phương gửi Kế hoạch dự thảo về Công an tỉnh – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đọa 138 tỉnh trước ngày 29/12/2023 để phối hợp thống nhất các nội dung chỉ đạo thực hiện về công tác phòng ngừa tội phạm theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách theo hướng “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm).
  2. Các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện thực hiện chế độ thông tin, báo cáo như sau:

– Định kỳ trước ngày 15 hằng tháng, các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch về Ban Chỉ đạo 138 tỉnh (qua Công an tỉnh – cơ quan Thường trực) để theo dõi, chỉ đạo.

– Định kỳ 6 tháng, 1 năm, các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch lồng ghép với báo cáo công tác phòng, chống tội phạm 6 tháng, 1 năm gửi về Ban Chỉ đạo 138 tỉnh (qua Công an tỉnh – cơ quan Thường trực) trước ngày 15/6, 15/12 để theo dõi, chỉ đạo.

Lưu ý: Báo cáo phải đánh giá rõ tình hình, kết quả công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện; kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công và giải pháp phòng ngừa xã hội (có số liệu chứng minh cụ thể); tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm kéo giảm bền vững tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

  1. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh giúp Ban Chỉ đạo 138 tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Kế hoạch này; đề xuất khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc; kiểm điểm, phê bình, xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị không thực hiện nghiêm túc./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0976.853.999