Ngày 03/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Chỉ thị nêu rõ: Khu vực kinh tế tập thể (trong đó bao gồm các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã) luôn được Đảng, Nhà nước và các đối tác phát triển quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, phát triển khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức tầm quan trọng về phát triển khu vực kinh tế tập thể của các cấp, các ngành được nâng lên; thể chế, cơ chế chính sách được hoàn thiện; số lượng hợp tác xã tăng lên và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được cải thiện. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao; mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp với xu thế phát triển; nguồn lực tài chính và trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế nêu trên là chuyển đổi số còn chậm, thiếu tính chiến lược, hành động cụ thể.
Do đó, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thực hiện chuyển đổi số, để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích nghi với tình hình phát triển mới.
Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan quán triệt quan điểm: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển đối với mọi thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tập thể. Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia; huy động mọi nguồn lực, phát triển theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác.
Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức; chuyển đổi số trên cơ sở phù hợp thực tiễn và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, từ thấp đến cao để đem lại những kết quả cụ thể, thiết thực.
Chuyển đổi số nhằm chuyển đổi mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, các hợp tác xã, người dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi số phải bám sát thực tiễn; xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đối với những vấn đề được thực tiễn chứng minh là hợp lý, hiệu quả thì tiếp tục thực hiện, nhân rộng; những vấn đề mới, chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm.
Thực hiện mạnh mẽ xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nền tảng số phục vụ cho chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối, liên thông cao.
Các nhiệm vụ, giải pháp
Chỉ thị yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23 tháng 8 năm 2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó coi việc chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã là nhiệm vụ trọng tâm và nhân tố cốt lõi; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi số, gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế này.
Tăng cường huy động các nguồn lực, kết nối các đối tác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số; kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua chuyển đổi số (tham gia các sàn thương mại điện tử, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ…).
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt hoạt động truyền thông chính sách, giúp các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; nhận thức đầy đủ về xu thế tất yếu, thách thức và cơ hội của chuyển đổi số.
Chủ động giải quyết các vấn đề trong thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, trong đó có chuyển đổi số cho khu vực này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương triển khai xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh, thuế và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho hợp tác xã về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế…
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện hồ sư Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt nội dung chuyển đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng; bổ sung cơ chế được sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chuyển đổi số cho hợp tác xã tại Dự án Luật.
Các cơ chế đặc thù cho hợp tác xã
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan vận động các đối tác phát triển sử dụng vốn ODA và huy động các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số, trong đó lưu ý các nội dung: (i) có các cơ chế đặc thù cho hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; (ii) xây dựng và phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung và bước đầu miễn phí; (iii) đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã; (iv) xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm áp dụng công nghệ hiện đại từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã và kết quả của Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.
Triển khai số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về hợp tác xã nông nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, quy định cho việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ số để bảo vệ và khuyến khích các nhà đầu tư, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hữu cơ và tuần hoàn.
Triển khai số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về hợp tác xã nông nghiệp. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số đối với các hợp tác xã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025 (OCOP) theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí thường xuyên từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp, công nghệ chuyển đổi số đối với các hợp tác xã theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để phát triển nền tảng quản trị số; Hệ sinh thái số; Phát triển sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã; phối hợp xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển tại địa phương
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển tại địa phương. Chủ động thực hiện chuyển đổi số theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.
Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mô hình hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số thành công, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Hệ thống Liên minh hợp tác xã tiếp tục đổi mới hoạt động của hệ thống, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể; bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của hợp tác xã để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền; thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng một số mô hình hợp tác xã chuyển đổi số hiệu quả; hướng dẫn thủ tục để giúp các hợp tác xã tăng khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Quy định xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ từ 15/02/2024
Quy định về tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên đại bàn tỉnh Hải Dương
Hải Dương ban hành Chỉ thị đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc năm 2024
Mức quà tặng cho người có công với cách mạng dịp Tết Âm lịch 2024
Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp dụng từ 01/02/2024
Nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lôi kéo người lao động tại nước ngoài “việc nhẹ lương cao”,
Hải Dương tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, công trình có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở