Quy tắc Đạo đức hành nghề công chứng được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (gồm 4 chương, 15 điều) quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của công chứng viên trong hành nghề công chứng, là cơ sở để công chứng viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, nâng cao uy tín của công chứng viên, góp phần tôn vinh nghề công chứng trong xã hội.
Đạo đức, hiểu theo nghĩa chung nhất, là một hình thái của ý thức, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực và thang bậc giá trị được xã hội thừa nhận. Đạo đức có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của mỗi người, phù hợp với lợi ích của xã hội. Đạo đức của mỗi cá nhân chịu sự tác động của dư luận xã hội, sự kiểm tra của những người khác trong xã hội, cũng như sự tự kiểm tra bởi chính mình.
Có thể khẳng định rằng, khi làm bất cứ ngành nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Công chứng là một nghề cao quý, bởi hoạt động công chứng bảo đảm tính an toàn pháp lý, ngăn ngừa tranh chấp, giảm thiểu rủi ro cho các hợp đồng, giao dịch, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức – Đó là một nghề mang tính công quyền. Trong đó, công chứng viên là người được Nhà nước giao quyền, thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu công chứng. Thông qua hoạt động nghề công chứng, công chứng viên là người góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng khi tham gia giao kết các hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng. Do vậy, việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật; khách quan, trung thực; chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng; tuân theo đạo đức hành nghề công chứng là nguyên tắc không thể thiếu đối với hoạt động hành nghề công chứng của công chứng viên.
Với tư cách là một công chứng viên đang hành nghề, ngoài việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm có liên quan, công chứng viên phải tuân theo và tôn trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đó chính là quy tắc ứng xử đã được luật hoá bằng Thông tư số 11/2012/TT-BTP của Bộ Tư pháp, cho nên không chỉ mang tính chất tự nguyện mà còn mang tính chất bắt buộc phải thực hiện. Quy tắc Đạo đức hành nghề công chứng đòi hỏi thái độ của công chứng viên khi ứng xử và hành nghề phải đi vào khuôn phép pháp luật, đó là:
– Phải thật sự khách quan, trung thực, không thiên vị, không vì lợi ích cá nhân, sự quen thân làm ảnh hưởng đến lợi ích người khác;
– Không công chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung trái đạo đức xã hội. Công chứng viên phải luôn coi trọng uy tín của mình đối với công việc chuyên môn, không thực hiện những hành vi làm tổn hại đến danh dự cá nhân, thanh danh nghề nghiệp;
– Không sử dụng trình độ chuyên môn, hiểu biết của mình để trục lợi, gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng;
– Để hoàn thành công việc được Nhà nước trao quyền, công chứng viên phải gương mẫu trong hành vi, lối sống, tôn trọng người dân, thực hiện công việc tuân theo quy định pháp luật.
Để thực hiện tốt Quy tắc Đạo đức hành nghề công chứng, đòi hỏi mỗi công chứng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín, thanh danh nghề nghiệp, xứng đáng với sự ủy thác của Nhà nước, sự tôn trọng và tin cậy của nhân dân. Đạo đức hành nghề công chứng là sự chuẩn mực về phẩm chất, chuẩn mực về xử sự trong khi hành nghề. Sự chuẩn mực đó được thể hiện trong quan hệ với đồng nghiệp, với người yêu cầu công chứng nói riêng và với nhân dân nói chung, với Nhà nước và xã hội:
Đối với đồng nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng nơi mình làm việc và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác, đạo đức hành nghề công chứng là thể hiện sự tôn trọng, thân thiện, đoàn kết giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ; giám sát lẫn nhau, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái; khi phát hiện đồng nghiệp có sai sót thì góp ý thẳng thắn nhưng không hạ thấp danh dự, uy tín của đồng nghiệp, hướng dẫn giúp đỡ đồng nghiệp mới vào nghề; Chấp hành các nội quy, quy chế của tổ chức hành nghề công chứng, Hội công chứng.
Đối với người yêu cầu công chứng, đạo đức hành nghề công chứng là thể hiện sự văn minh, lịch sự khi tiếp xúc với người dân, khi thực hiện việc công chứng, công chứng viên cần có thiện chí và phải tư vấn cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ về hệ quả pháp lý phát sinh sau khi hợp đồng, giao dịch được công chứng. Công chứng viên phải có trách nhiệm hướng dẫn cho người yêu cầu công chứng lựa chọn hình thức văn bản công chứng phù hợp để bảo đảm tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên cần tận tình, hòa nhã giải đáp thắc mắc của người yêu cầu công chứng để họ hiểu đúng pháp luật, ý chí của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Đồng thời, giải thích cho người yêu cầu công chứng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước, về quyền được khiếu nại, tố cáo của người yêu cầu công chứng khi tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch.
Công chứng viên đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu công chứng; không phân biệt giới tính, dân tộc, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo, địa vị xã hội, khả năng tài chính… Thu đúng, thu đủ, thu công khai phí và thù lao công chứng đã quy định và niêm yết, khi thu phải có chứng từ đầy đủ. Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh các hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên quy định tại Luật Công chứng:
– Không được sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
– Không đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác ngoài phí, thù lao công chứng và chi phí khác đã được thoả thuận;
– Không nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng,
– Không sử dụng thông tin biết được từ việc công chứng để phục vụ lợi ích cá nhân;
– Không công chứng đối với trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Đối với việc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, với tư cách là người được nhà nước giao phó, cho phép sử dụng quyền lực nhà nước để đứng ra làm chứng trong các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… công chứng viên phải khẳng định các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng không chỉ dựa trên những tài liệu xác thực, tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật mà còn nhất thiết không được làm ảnh hưởng xấu tới lợi ích công cộng, quyền lợi của Nhà nước. Điều này có nghĩa công chứng viên sẽ vi phạm đạo đức hành nghề công chứng nếu như tư vấn để cho người yêu cầu công chứng trốn tránh nghĩa vụ đối với Nhà nước hay làm ảnh hưởng không tốt tới khả năng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nói theo một cách khác, khi có sự mâu thuẫn giữa lợi ích của người yêu cầu công chứng với lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng thì công chứng viên có nghĩa vụ ưu tiên bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng.
Tóm lại, để Quy tắc Đạo đức nghề hành nghề công chứng được thi hành nghiêm túc và tôn trọng trong hành nghề công chứng đòi hỏi mỗi công chứng viên phải không ngừng phấn đấu, trau dồi phẩm chất, chú trọng nâng cao trình độ, thường xuyên học tập, nghiên cứu kiến thức về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động nghiệp vụ chuyên môn; tích cực tham gia các hoạt động, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với đồng nghiệp trong hoạt động công chứng; Tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín cho đồng nghiệp, có thái độ thân thiện, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ; Giữ gìn mối quan hệ hợp tác, bình đẳng giữa công chứng viên với nhân viên nghiệp vụ, với những người giữ vị trí lãnh đạo và đồng nghiệp trong hoạt động công chứng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Quy định xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ từ 15/02/2024
Quy định về tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên đại bàn tỉnh Hải Dương
Hải Dương ban hành Chỉ thị đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc năm 2024
Mức quà tặng cho người có công với cách mạng dịp Tết Âm lịch 2024
Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp dụng từ 01/02/2024
Nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lôi kéo người lao động tại nước ngoài “việc nhẹ lương cao”,
Hải Dương tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, công trình có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở