CƠ CẤU TỔ CHỨC; CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PBGDPL

 

1. Cơ cấu tổ chức: Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, thị xã, thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập gồm các thành phần sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng: Giám đốc Sở Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cấp tỉnh, Trưởng phòng Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cấp huyện;

c) Hội đồng có thành phần là lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Ủy ban nhân dân, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Quân sự, Công an, Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính;

Mời lãnh đạo các tổ chức: Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Luật gia, Đoàn luật sư, Hiệp hội doanh nghiệp làm Ủy viên Hội đồng.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng: Hội đồng là tổ chức tư vấn giúp UBND cùng cấp chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức ở tỉnh và địa phương về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; duy trì hoạt động phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

3. Trách nhiệm của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng

– Chủ trì chuẩn bị các dự thảo chương trình, kế hoạch hoạt động và các văn bản vê phổ biến giáo dục pháp luật để Hội đồng tư vấn cho UBND cùng cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện; dự thảo các văn bản, dự toán kinh phí hoạt động của Hội đồng; dự kiến kế hoạch huy động kinh phí từ các nguồn khác để hỗ trợ cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

–  Phối hợp với các cơ quan ban ngành, tổ chức là thành viên của Hội đồng để tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo quyết định của Chủ tịch UBND cùng cấp.

– Theo dõi, tổng hợp tình hình phối hợp triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức và địa phương để Hội đồng thông qua.

– Chuẩn bị nội dung, tổ chức các phiên họp và các hoạt động khác của Hội đồng; theo dõi việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND cùng cấp về công tác phổ biến giáo dục pháp luật và định kỳ báo cáo Hội đồng.

– Hàng năm tổ chức ký kết và triển khai thực hiện các chương trình phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật với các ngành liên quan; bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ làm công tác này.

– Thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất do Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng giao.

  1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thành viên Hội đồng

– Đề xuất với Hội đồng về công tác tư vấn cho UBND các biện pháp phối hợp và tổ chức thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

– Tư vấn, tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan, tổ chức mà mình là đại diện làm thành viên Hội đồng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý hoặc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thành viên, hội viên của tổ chức mình; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân.

– Tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng; thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch Hội đồng phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về việc thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp không thể tham dự các phiên họp Hội đồng, Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản về cơ quan thường trực Hội đồng để tổng hợp, báo cáo Hội đồng. Ý kiến của Ủy viên Hội đồng là ý kiến chính thức của cơ quan, tổ chức nơi công tác.

– Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất, theo yêu cầu tổng hợp kết quả, báo cáo Hội đồng và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành hoặc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thành viên, hội viên của cơ quan, tổ chức mình.

– Được cung cấp tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

– Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Chủ tịch Hội đồng phân công.